Những diễn biến, những câu chuyện của thế giới Internet đã và đang
tác động ngày càng sâu rộng đến thế giới. Hãy cùng chúng tôi điểm lại 4
sự kiện đáng chú ý nhất trong năm vừa qua của thị trường công nghệ.
Facebook IPO - Nhiều điều tiếng
Được phát hành bởi hai trong số những ngân hàng đầu tư hàng đầu thế
giới cộng thêm việc bản thân Facebook đang cực kỳ hùng mạnh, đợt IPO của
mạng xã hội này thu hút được rất rất nhiều sự quan tâm và chú ý của
không chỉ thế giới công nghệ mà của cả thị trường tài chính. Đây là một
trong những vụ IPO lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Khởi đầu thuận lợi với mức giá 38 USD tương đương mức giá trị thị
trường đạt 104 tỷ USD, Facebook nhanh chóng thu về cho mình 16 tỷ USD từ
lượng cổ phiếu bán ra.
Tuy nhiên, ngay sau khi ra mắt, cổ phiếu Facebook nhanh
chóng mất giá trầm trọng và hậu quả là chỉ ít lâu sau đó, giá trị của
mỗi cổ phiếu chỉ còn khoảng 15 USD, chưa đầy một nửa mức giá ra mắt.
Thậm chí Bloomberg còn dự đoán con số này có thể còn giảm xuống 13 USD.
Nguyên nhân đến từ nhiều khía cạnh: thổi phồng giá, kỳ vọng quá lớn, mô
hình doanh thu chưa rõ ràng, mobile...
Trong số đó, làm nhiều người tức giận nhất là việc Facebook và hai
ngân hàng đầu tư không hề công bố về việc điều chỉnh dự đoán doanh thu
của Facebook ít ngày trước đợt IPO. Facebook thậm chí chút suýt nữa bị
kiện vì vụ việc này.
Những nỗ lực soán ngôi thất bại
Thương trường là chiến trường, mỗi ngành kinh doanh là một lãnh địa.
Mà lịch sử đã chứng minh là lòng tham của con người là vô đáy, các lãnh
chúa chưa bao giờ hoàn toàn hài lòng với lãnh địa của mình và vì thế, họ
luôn tìm cách xâm chiếm các lãnh địa khác. Trong kinh doanh cũng vậy,
người ta gọi nó là mở rộng ngành nghề còn tôi thì quan niệm đó là những
cuộc chiến tranh giành lãnh thổ. Tuy nhiên, 2012 có vẻ là năm không
thuận lợi với những kẻ tấn công.
Đầu tiên, nỗ lực của Google đánh vào pháo đài Facebook - nỗi sợ hãi
cho sự thống trị thế giới Internet của Google. Facebook đang chiếm 1/5
lượt pageviews trên toàn thế giới và con số 1 tỷ MAU (số lượng người
dùng hoạt động hàng tháng) đủ để bất cứ ai phải thèm muốn. Pháo đài
Facebook và mọi thứ bên trong nó tàng hình trước con mắt soi mói của
Google. Đó là lý do tại sao Google sợ Facebook nhất chứ không phải gã
nhà giàu Microsoft.
Google+ ra đời và đốt không ít tiền bạc và công sức của Google chỉ
với một mục đích duy nhất: kéo người dùng ra khỏi Facebook. Bản thân
Google có lẽ cũng không cần Google+ quá thành công, miễn là nó giảm được
tầm ảnh hưởng của đối thủ. Tuy nhiên, mọi sự không như mơ, Google+ từ
khi ra đời đến nay nó vẫn chưa thể ảnh hưởng đến đối thủ.
Bing, công cụ tìm kiếm của Microsoft và đối tác Yahoo Search
vẫn đang miệt mài giành thị phần của ông trùm Internet Google. Có điều
khi mà cả thế giới đang tối ưu hóa cho Google thì Bing vẫn chưa thể
thoát khỏi thân phận của kẻ chạy theo. Thậm chí, trong năm vừa rồi thị
phần của Bing còn giảm so với đối thủ.
Và Amazon, năm qua họ đã cho thấy sức mạnh của họ lớn đến thế nào và
cho dù các đối thủ bằng nhiều cách khác nhau đang thâm nhập thị trường
TMĐT vốn là sân nhà của họ đều chịu thất bại cay đắng. Google cho dù nắm
trong tay công cụ tìm kiếm mạnh nhất thế giới, bản đồ của thế giới
Internet cũng đang gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với Amazon.
Facebook cũng không giấu giếm tham vọng của mình. Tuy nhiên, họ đang
phải đối mặt với một con quái vật TMĐT thật sự.
Bong bóng Internet phập phồng
Từng được bơm lên mạnh mẽ trong năm trước và đầu năm nay, đến cuối năm, có cái cớ để người ta nói bong bóng Internet
đang vỡ, hay chí ít xịt mạnh. Groupon còn 1/7 giá trị so với thời điểm
hãng này IPO và liên tục được đem ra so sánh với Google. Zynga, công ty
thống trị game mạng xã hội cũng
mất 7 lần giá trị so với thời điểm cổ phiếu hãng này được giá nhất. Quan
trọng hơn, Zynga đang lâm vào một cuộc khủng hoảng thực sự bên trong
nội bộ công ty.
Facebook, như đã kể ở trên là một điển hình của sự xẹp bong bóng năm
qua. Được bơm lên mức 38 USD nhưng những thông tin về doanh thu, cách
điều hành... đã khiến giá FB giảm thấp nhất tới 14 USD. Tuy đã phục hồi
mạnh và đang ổn định ở mức 28 USD nhưng hãng vẫn mất tới 1/4 giá trị so
với thời điểm IPO.